SUNDAY WISDOM - nơi Quân Sư Chứng Khoán chia sẻ một cách chuyên sâu hơn về nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Truyền tải được những tri thức có giá trị cho quý độc giả dù chỉ là một mảnh nhỏ là mục đích của tôi.
Trong kỷ nguyên mà khả năng tiếp cận thông tin trở nên rất dễ dàng và thuận tiện, các phương tiện truyền thông trở thành công cụ để thao túng tâm lý nhà đầu tư. Dù cố ý hay vô tình thì thực trạng thông tin thiếu chính xác hoặc được công bố vào những thời điểm nhạy cảm liên tục làm nhà đầu tư cảm thấy nhức nhối.
Thao túng cổ phiếu bằng media (truyền thông) là chỉ là một trong những hình thức thao túng thị trường tài chính, trong đó các cá nhân hoặc tổ chức sử dụng phương tiện truyền thông để lan truyền thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhằm đạt lợi ích cá nhân. Bản chất nhưng thông tin tốt xấu được bơm ra và lan tỏa đi khắp nơi sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ từ đó ảnh hưởng đến cung cầu cổ phiếu theo định hướng của người viết.
Thực trạng này đã trở nên phức tạp và phổ biến hơn với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và truyền thông số với một số chiêu trò sau đây:
Lan truyền thôn tin qua mạng xã hội: Các nền tảng như Facebook, Twitter, Telegram hay các diễn đàn chứng khoán trực tuyến đã trở thành công cụ để lan truyền nhanh chóng các thông tin, tin đồn về cổ phiếu. Những thông tin này có thể không được kiểm chứng, nhưng vẫn có tác động mạnh đến quyết định của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Chiêu trò bơm thổi giá (Pump and Dump): Đây là một trong những phương thức thao túng phổ biến, trong đó một nhóm người tạo ra sự quan tâm giả tạo về một cổ phiếu, thổi phồng giá lên bằng tin tốt, sau đó bán ra ồ ạt khi giá tăng, làm cho các nhà đầu tư khác bị lỗ nặng khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Thủ đoạn này thường nhắm vào các cổ phiếu có thanh khoản thấp và dễ bị biến động giá. Tiêu biểu nhất trong nhiều năm qua là về “huyền thoại” A7 mà nhiều người, nhiều tài khoản clone vẫn gọi là thầy mỗi khi tới mùa uptrend về những thương vụ thành công L14 hay DIG… với chung 1 motip là hô hào liên tục về những ngưỡng định giá trên trời. Nhưng cổ phiếu dạng Pump and Dumb (mô hình cây thông) này vẫn vận hành giống như 1 mô hình đa cấp, ai đến sớm thì vẫn có thể trở nên giàu có nếu biết dừng lại đúng lúc, nhưng người đến sau có thể mất tất cả nếu không có người đến sau mình (hòn than được truyền tay nhau liên tục). Còn người đứng sau thao túng thì chắc chắn sẽ có khoản lợi nhuận khổng lồ vì cổ phiếu dạng này thường có mức tăng khủng đủ để khiến nhà đầu tư fomo tột độ khi nhìn vào và thường trở lại nơi bắt đầu sau mỗi con sóng thần (đây vừa là cơ hội, vừa là rủi ro mà quý độc giả nên nhận diện được).
Sử dụng báo chí và phương tiện truyền thông chính thống: Một số tổ chức hoặc cá nhân có thể thao túng báo chí hoặc trả tiền cho các bài viết có nội dung tích cực hoặc tiêu cực về một công ty, nhằm tác động đến giá cổ phiếu. Khác với mạng xã hội, báo chí được xem như một kênh uy tín hơn nhiều nhưng nhiều năm trở lại đây thực tế đã chứng minh sự minh bạch thông tin hay định hướng của người viết có nhiều vấn đề. Điều này đôi khi được thực hiện một cách tinh vi và khó phát hiện.
Tin đồn và thông tin nội bộ: Những tin đồn về các hoạt động kinh doanh, sáp nhập, hay thông tin xấu của một công ty có thể lan truyền nhanh chóng qua các kênh truyền thông, khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường. Đôi khi những thông tin này được lan truyền có chủ đích bởi những người nắm giữ cổ phiếu hoặc có lợi ích liên quan. Trường hợp gần đây nhất case EIB là một ví dụ khi lan truyền một văn bản không rõ nguồn gốc về một sự kiện xấu cho DN, cổ phiếu lăn ra sàn nhưng sau khi đính chính lại thì bất ngờ tăng trần trở lại sau đó 1-2 phiên giao dịch và nhiều trường hợp khác nữa.
Cơ chế nào của bộ não khiến ta dễ bị thao túng bởi media?
Để đầu tư và giao dịch chứng khoán thành công, yếu tố tâm lý con người luôn là một trở ngại khó khắc phục. Theo Ngài Munger: "Bộ não con người chúng ta được lập trình để lọai bớt nghi ngờ nhằm quyết định thật nhanh. Do đó, khi đang phân vân về một quyết định nào đó, chỉ cần có một yếu tố kích động ngay lập tức bản năng của bộ sẽ rất dẽ bị thao túng.” Cơ chế này được gọi là Doubt Avoidance Tendency (tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để đưa ra quyết định nhanh).
Tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh là bản năng sẵn có của con người. Thử nghĩ một con mồi mà cần vài phút để suy nghĩ xem nên làm gì khi thú dữ tấn công, thì ắt hẳn đã không thể tồn tại được đến ngày nay, vì vậy trong chúng ta không ai là không có thứ bản năng này cả. Song, câu hỏi nên được đặt ra ở đây là điều gì gây ra tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh trong đầu tư?
Một người không hề bị đe dọa, hay hối thúc, ấy vậy mà vẫn bị một động lực nào đó xóa tan nghi ngờ và quyết định sai lầm. Điều này xảy ra cực kỳ phổ biến trong các tôn giáo cực đoan. Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về điều này trong phạm vi tâm lý đám đông (social-proof) và xu hướng tâm lý bị áp lực (stress influence).
Ngài Munger đã giải thích rằng tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh một phần bị ảnh hưởng bởi tâm lý ảnh hưởng bởi đám đông (social proof tendency), tâm lý bị ảnh hưởng bởi áp lực (stress influence tendency). Song tôi cho rằng, nó còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tâm lý sợ bị bỏ lỡ, sợ bị tước đoạt. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là thông tin sẽ khiến mọi người bị thúc đẩy đưa ra quyết định nhanh hơn vì sợ bỏ lỡ một cổ phiếu ngon hoặc bị tước đi một vài % trong tài khoản vì thông tin xấu. Nếu NĐT chúng ta có thể lí trí tránh được bẫy tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội ("fear of missing out"/FOMO, hay sợ bị tước đoạt/sợ bị bỏ lại/"deprival reaction tendency") hằng sâu trong não bộ, chúng tôi tin rằng ta đã tránh được quá nửa các sai lầm trên con đường đầu tư.
Mức giá cả tăng trần xanh/tím cộng với các bài báo kém khách quan đầy tích cực tràn ngập mang xã hội & Internet có thể khiến một người bình thường lí trí trở nên mất lí trí trong một chút tích tắc. Chúng ta thường đánh giá rất thấp việc giá cả trên bảng điện có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của bản thân. George Soros con sáng tạo ra hẳn một lý thuyết để giải thích việc này, ông gọi la "Reflexivity Theory", khi mà biểu hiện giá cả của một chứng khoán mới là thứ quyết định nên hành động mua/bán ngắn hạn của đám đông thay vì điều ngược lại.
Cách miễn nhiễm với thao túng thông tin
Để khắc phục việc trạng thái tâm lý bị thao túng bởi thông tin sự trì hoãn thông minh (intelligent delay) có thể là giải pháp, nơi một NĐT lí trí cần tập kỷ luật luôn nghi ngờ, luôn đặt câu hỏi, và suy nghĩ thật kĩ trước khi chạy theo đám đông.
Nếu ta là một nhà đầu tư ấy thì có thể có tự đặt cho mình 3 câu hỏi sau trước khi đưa ra quyết định:
Liệu DN đó có đủ lượng tiền mặt để mua cổ phiếu khi nó đang phải vay nợ dài hạn lớn với mức lãi suất đáng kinh ngạc từ 7% đến 16%, đồng thời lượng tiền mặt trên chiếm tỷ trọng khá nhỏ trên tổng tài sản so với các khoản phải thu? Ngoài ra, việc mua cổ phiếu quỹ có phải là quyết định capital allocation đúng đắn khi công ty không dư thừa free cash flows và cần rất nhiều vốn để phát triển các dự án trong tương lai, đồng thời việc mua cổ phiếu quỹ khổng lồ trong cùng một lúc như vậy có thực sự làm lợi cho cổ đông thay vì làm đều đặn hàng năm như cách mà các công ty quản trị tốt hàng đau thế giới làm?
Giá của doanh nghiệp trong có vẻ rẻ trên book-value, như công bố của DN về lý do của việc mua cổ phiếu quỹ, song chất lượng của book-value có thực sự đáng tin cậy hay không, đặc biệt khi khoản phải thu ngắn & dài hạn đạt con số tuyệt đối khổng lồ, chiếm quá nửa tổng tài sản của doanh nghiệp?
Và cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất, khi thông tin trên được công bố công khai/rộng rãi ở trang chủ của các mặt báo lớn, lợi thể cạnh tranh về mặt thông tin của tôi so với thị trường là gì? Như ngài Howard Marks thường nói, tôi có thực sự sở hữu được cơ hội giá hời (bargain) hay không khi mà bất cứ ai ai cũng biết cũng những điều như tôi?
Khi trì hoãn một cách thông minh một chút và đạt được 3 câu hỏi trên, một NDT lí trí/cẩn trọng khả năng cao sẽ tránh được bẫy tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh và, hơn thế nữa, tránh được nhiều thua lỗ trong tương lai ở một thị trường tài chính đầy khốc liệt, đầy cạm bẫy như hiện nay ...
Còn đối với một nhà giao dịch theo PTKT thì việc giao dịch theo giá đóng cửa là chiến thuật hợp lý nhất. Tức là chỉ tập trung phân tích giá đóng cửa sau mỗi phiên giao dịch và đưa ra quyết định vào khoảng thời gian nghỉ.
Việc này giúp nhà đầu tư đem lại 2 lợi ích quan trọng:
Có nhiều thời gian hơn để phân tích giúp tránh việc bị thúc giục bởi nhiều tín hiệu từ bảng giá và mọi thứ tin tức đang được bơm thổi và tập trung vào phương pháp, kế hoạch giao dịch của mình.
Tránh được tín hiệu bẫy trong phiên: nhà giao dịch thường lo sợ rằng những chuyển biến bất ngờ trong phiên sẽ gây tổn hại đến danh mục của mình nên thường có trạng thái nhấp nhổm không yên. Nhưng trong thực tế mọi tín hiệu giao dịch sẽ chỉ được xác nhận khi kết phiên giao dịch khi nó phản ánh đầy đủ hành vi của thị trường hơn là những tín hiệu vào buổi sáng hay đầu phiên chiều. Không ít trường hợp giá cổ phiếu giảm gần sàn trong phiên và tăng ngay trở lại gần mức tham chiếu sau đó, hoặc ngược lại. Việc sử dụng giá đóng cửa để xây dựng kế hoạch giao dịch không những giúp NĐT không trở thành nạn nhân của những cái bẫy tăng, giảm giá mà còn tận dụng được chúng để giao dịch.
Đây là cách mà QSCK vẫn đang áp dụng để xây dựng kế hoạch giao dịch và review tổng quan thị trường. Hầu hết đều diễn ra trong thời gian nghỉ mặc dù tần suất theo dõi bảng giá là rất thường xuyên nhưng chỉ nhằm mục đích quan sát chứ hiểm khi đưa ra quyết định mua/bán dựa vào tín hiệu trong phiên.
Enjoy your reading! Chúc quý độc giả có một ngày chủ nhật vui vẻ và tràn đầy năng lượng tích cực.