Thị trường chứng khoán Việt Nam mang nặng tính chu kỳ điều này đến từ việc những nhóm ngành cổ phiếu hiện tại đang được niêm yết trên sàn có HĐKD cũng mang nặng tính chu kỳ và một trong số những ngành mang nặng tính chu kỳ nhất phải kể đến là ngành thép.
Những phiên giao dịch gần đây nhóm cổ phiếu thép như HPG HSG NKG SMC TLH,… lại ghi nhận những diễn biến tiêu cực về giá trước những thông tin xấu ảnh hưởng trực tiếp đến HĐKD của những doanh nghiệp trong ngành bao gồm:
1. Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng từ Việt Nam.
2. Rumor: Mỹ không công nhận VN là nền kinh tế thị trường và kiên quyết đánh thuế một số sản phẩm thép Việt Nam.
3. Giá thép cán nóng HRC liên tục phá đáy ảnh hưởng đến kỳ vọng của NĐT.
Vậy đế hiểu tại sao những điều trên tác động đến doanh nghiệp thì dưới đây là chuỗi giá trị ngành thép được tình bày bởi QUÂN SƯ CHỨNG KHOÁN để giúp NĐT có thể hiểu thêm về ngành thép và những biến động nào có thể ảnh hưởng đến ngành này.
1. Đầu vào ngành thép Việt Nam – Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
NVL đầu vào chiếm khoảng 70% - 80% giá thành sản xuất sản phẩm thép. Nguyên liệu chính gồm có quặng sắt, than cốc và thép phế:
Quặng sắt & Than cốc – Chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Trung Quốc, Brazil. Trong đó giá Úc và Brazil lần lượt là hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới về than cốc và quặng sắt => Tác động đến giá cao nhất.
Thép phế: có 50% tiêu thụ từ nhập khẩu. Trong đó Nhật Bản chiếm tỷ trọng nhập khẩu cao nhất 35 - 40%.
Do phụ thuộc vào nhập khẩu, các doanh nghiệp thép Việt Nam thường xuyên chịu áp lực tăng chi phí từ biến động giá nguyên vật liệu và chỉ phần nào giảm bớt nhờ chính sách tích trữ tồn kho nguyên liệu.
2. Quy trình sản xuất thép
Từ nguồn nguyên liệu như trên, quy trình sản xuất thép bao gồm 4 công đoạn chính như sau: Luyện gang, luyện thép, đúc thép và cán thép.
2.1 Công đoạn 1: Luyện gang- Iron making
Quá trình sản xuất này sử dụng lò cao Blast Furnace: Ở công đoạn lò cao này người ta sử dụng các nguyên liệu đầu vào như: Quặng sắt (iron ore), than cốc (coke) và đá vôi (lime stone).
Sản phẩm là: gang lỏng hoặc gang đúc (pig iron).
Hiện tại nước ta có khoảng 19 lò cao, tất cả nằm ở các tỉnh phía Bắc. Không có lò cỡ lớn mà chỉ có khoảng 12 cái là lò cỡ vừa (từ 100m3) ví dụ Thép Thái Nguyên, Việt Trung, Hòa Phát có lò 500-550m3, còn lại là cỡ nhỏ (dưới 100m3). Tổng công suất thiết kế khoảng 3.4 triệu tấn năm, chưa tính các lò cỡ lớn của Formosa HT, thép Việt Trung và thép Thạch Khê đang xây dựng với công suất từ 1100 - 4350m3 mỗi lò.
2.2 Công đoạn 2: Luyện thép- Steel making
Ở Việt Nam có hai nhánh công nghệ luyện thép chính đó là
- Luyện thép từ gang lỏng và gang thỏi, sử dụng lò thổi oxy BOF (Basic oxygen furnace): Các công ty có công nghệ này là Thép Thái Nguyên, Việt Trung, Hòa Phát và sắp tới là Formosa Hà Tĩnh.
- Luyện thép từ sắt thép phế liệu (scrap steel) và gang thỏi bằng phương pháp lò luyện hồ quang (EAF-Electrical Arc Furnace): Rất nhiều các công ty áp dụng là Pomina, Hòa Phát, VNSteel, Việt Trung, Vạn Lợi…
Ngoài ra còn có các công ty sử dụng lò luyện cảm ứng IF có công suất nhỏ dưới 50 tấn như: Thép Việt Nhật, An Hưng Tường, Thép Dana-Y…
2.3 Công đoạn 3: Đúc thép- Continuous Casting
Đặc trưng đó là máy đúc liên tục Continuous Casting Machine.
Quá trình đúc thép cho ra phôi thép dưới ba hình dạng: Phôi Billet là loại phôi vuông thường có tiết diện 120x120, 130×130, 150×150 dài 12m; Phôi Slab có kích thước lớn hơn billet, có tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật. Phôi Bloom là loại phôi gần giống billet nhưng có kích thước lớn hơn.
Các công ty có công nghệ này như Hòa Phát, Pomina, Thái Nguyên, Việt Trung, VNSteel, Việt Nhật, …
2.4 Công đoạn 4: Cán thép – Steel Rolling
Ngành cán thép được phân làm hai loại: Cán nóng và cán nguội
Cán nóng: Phôi được gia nhiệt lại (reheat) trước khi đưa vào máy cán để cán ra các sản phẩm thép:
- Máy cán thép hình Section mill cho ra các sản phẩm thép chữ H, I, U, V...
- Máy kéo thép dây wire rod: cho ra thép tròn xây dựng
- Máy cán thép rebar cho ra thép vằn xây dựng
- Máy cán thép tấm plate mill cho ra thép tấm cán nóng (dạng tấm)
- Phôi Slab được dùng cho máy cán hot strip mill sản xuất thép cán nóng dạng cuộn (HRC).
Cán nguội: cán thép tại nhiệt độ phòng, không gia nhiệt nguyên liệu. Người ta sử dụng thép cán nóng HRC để sản xuất thép cán nguội CRC.
Trong đó công đoạn sản xuất thép cán nóng HRC đặc biệt quan trọng, hiện tại bên cạnh lượng sản xuất HRC nội địa của HPG và Fomosa, ta phải nhập khẩu lượng lớn HRC từ nước ngoài. Năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước. 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 173% so với sản xuất trong nước. Đó là lý do tại sao theo dõi giá thép HRC và hành động bổ sung HRC vào hàng tồn kho trong báo cáo tài chính là rất quan trọng.
Dưới đây là cơ cấu sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép Việt Nam thể hiện mức độ hoàn thiện trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn. Trong đó, có thể thấy Hòa Phát có hệ sinh thái hoàn chỉnh nhất về chuỗi giá trị thép. Ngoài ra, trên sàn còn một số doanh nghiệp thuần về thương mại
Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép nhưng hoạt đọng chính yếu là mảng thương mại (mua đi bán lại) như Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại SMC (SMC), Tập đoàn thép Tiến Lên (TLH).
3. Đầu ra ngành thép Việt Nam – 70% sản lượng được tiêu thụ nội địa & 30% còn lại xuất khẩu
Đầu ra cho các sản phẩm thép của Việt Nam chủ yếu là nội địa với tỷ trọng 70% với mặt hàng chính là thép xây dựng. Xét thị phần tiêu thụ, HPG đứng đầu về thép xây dựng và ống thép. HSG đứng đầu về tôn mạ trong khi Formosa Hà Tĩnh đứng số 1 về thép HRC.
Đối với xuất khẩu, các dòng sản phẩm chủ lực gồm có HRC, tôn và phôi thép tới các thị trường chính là Ý (chủ yếu để vào Liên minh châu Âu (EU), Campuchia, Mỹ, Malaysia và Ấn Độ).
Có thể thấy , việc 2 thị trường EU và Mỹ thay đổi chính sách thuế nhập khẩu có hại cho doanh nghiệp thép Việt là một vấn đề đáng lưu tâm và ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu và doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành.
Trên đây là chuỗi giá trị ngành thép và h y vọng sẽ giúp quý nhà đầu tư nắm được những yếu tố cần lưu tâm khi xác định chu kỳ ngành thép đang ở giai đoạn tốt hay xấu và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Với quan điểm của Quân Sư Chứng Khoán thì có thể với những thông tin xấu như thế này sẽ chỉ tác động đến doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định, thường là ngắn. Do đó, dưới góc độ một người cầm tiền, Quân Sư Chứng Khoán cho rằng cơ hội mua cổ phiếp thép giá rẻ sẽ xuất hiện trong giai đoạn quý III-IV/2024. Đối với cổ phiếu chu kỳ, điểm mua tốt nhất luôn xuất hiện khi mọi thứ tồi tệ xảy ra và những thứ tốt đẹp “sắp” tới.